Chuyên gia Nguyễn Thị Ngọc Dinh trả lời:
Chào bạn!
Rất mừng là nhà bạn có 2 chị em ở riêng với nhau nhưng biết yêu thương và chăm sóc cho nhau. Với câu hỏi của bạn, trước khi đưa ra lời khuyên, tôi sẽ nói qua để bạn rõ hơn về bệnh viêm phổi.
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là tình trạng có sự viêm, nhiễm trùng xảy ra ở các nhu mô, phế nang của phổi. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do vi khuẩn, virus, nấm hoặc các tác nhân từ ngoài môi trường như khói bụi không khí, khói thuốc lá, yếu tố gây dị ứng đường thở,…
Khi những tác nhân này xâm nhập vào phổi, phế quản và tiếp xúc với bề mặt lớp niêm mạc tại đây, chúng sẽ kích hoạt phản ứng viêm của cơ thể. Viêm làm cho niêm mạc đường thở sưng lên, phì đại và tăng tiết chất nhầy, đờm. Lúc này, phản xạ ho sẽ diễn ra nhằm giúp đẩy đờm, nhầy và các yếu tố gây hại ra khỏi phổi. Đồng thời, người bệnh có thể kèm theo biểu hiện khác như sốt, thở khò khè, khó thở,…
>>> Xem thêm: Người bị viêm phổi nên ăn gì để có nhiều lợi cho sức khỏe
Chăm sóc người bệnh viêm phổi như thế nào?
Ở người có dấu hiệu của viêm phổi cấp, nên được sớm đến bệnh viện để thăm khám, tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời. Trường hợp của chị bạn đã đi viện khám, và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ là rất tốt. Tuy nhiên, để việc điều trị viêm phổi cấp có hiệu quả tốt hơn, bạn cần lưu ý một vài điểm như sau:
Chăm sóc người bệnh viêm phổi trước tiên cần đảm bảo không dùng chung các vật dụng sinh hoạt cá nhân với người bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh khi nói chuyện, khi có cơn ho, hắt hơi,… Bởi viêm phổi là bệnh dễ truyền nhiễm qua đường hô hấp.
Nên cho người bệnh ăn những đồ ăn mềm như súp, cháo, đồ hầm chín nhừ,… để dễ nuốt và dễ tiêu hóa hơn.
Nếu người bệnh có cơn sốt, nên áp dụng chườm khăn ấm để giảm thân nhiệt hoặc cho uống thuốc hạ sốt nếu cần. Sốt cao liên tục cần được bù nước và điện giải (nước hoa quả, sữa,…) để tránh cơ thể mất nước và rối loạn tuần hoàn.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn chữa ho có đờm với bài thuốc dân gian từ mật ong
- Không khí trong nhà nên giữ ấm và duy trì độ ẩm phù hợp để tránh làm kích ứng cơn ho cho người bệnh.
- Nên cho người bệnh xông hơi với nước nóng. Hơi nước giúp làm loãng đờm và giảm độ dính của đờm ở niêm mạc đường thở, giúp đẩy đờm ra ngoài dễ hơn. Có thể kết hợp với cách vỗ và rung lồng ngực để tống đờm ra ngoài.
- Để người bệnh nghỉ ngơi nhiều, tránh mất năng lượng.
- Đưa người bệnh đi kiểm tra lại sau khi kết thúc điều trị 4 tuần để đảm bảo bệnh đã khỏi hoàn toàn.
- Hướng dẫn người bệnh những bài tập thở sâu để mang lại hiệu quả làm sạch đường thở, tăng dung tích và độ giãn nở của phổi.
- Không để người bệnh hút thuốc và không tiếp xúc với khói thuốc lá, vì nó có thể làm cho bệnh tái phát lại và nặng hơn.
- Khuyên người bệnh nên tiêm phòng vaccine ngừa cúm và viêm phổi hàng năm để chủ động phòng ngừa tái phát.