Ho nhiều đờm là một trong những biểu hiện thường gặp của nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Vậy ho nhiều đờm là dấu hiệu của các bệnh lý nào? Làm sao cải thiện các cơn ho? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau bạn nhé!
Ho nhiều đờm là gì?
Đờm được hình thành từ chất nhầy đường hô hấp, hồng cầu, bạch cầu mủ, xác chết của vi khuẩn có hại,... Đây là các sản phẩm của quá trình viêm. Các chất tiết này được sản xuất ra từ xoang trán, hốc mũi, họng, khí phế quản, phế nang.
Ho là phản ứng đóng mở nắp thanh âm một cách mạnh mẽ, giúp loại bỏ đờm ra khỏi đường thở một cách dễ dàng hơn.
Ho nhiều đờm là một triệu chứng, không phải là bệnh. Đây là một cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, giúp thông thoáng đường thở, cải thiện chức năng hô hấp. Tuy nhiên, khi các cơn ho kéo dài sẽ gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
>>>Xem thêm: Người bị viêm phổi nên ăn gì để có nhiều lợi ích cho sức khỏe
Nguyên nhân gây ra tình trạng ho nhiều đờm
Vi khuẩn, virus là nguyên nhân chính gây viêm nhiễm đường hô hấp, làm xuất hiện cơn ho nhiều đờm. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ dưới đây sẽ góp phần làm bùng phát cơn ho:
- Khói thuốc lá: Có khoảng 80 - 90% người mắc viêm phổi mạn tính là do hút thuốc lá nhiều. Khi bị viêm phổi mạn tính, người bệnh thường xuyên ho nhiều đờm, ho kéo dài dai dẳng. Ngoài ra, bệnh nhân còn cảm thấy rất khó thở, mệt mỏi. Nếu bệnh không được kiểm soát kịp thời thì rất dễ tiến triển thành ung thư, đe dọa đến tính mạng người mắc.
- Khói hóa chất: Trong khói hóa chất có rất nhiều chất độc khó thải trừ, gây ra các phản ứng viêm tại đường hô hấp, biểu hiện thành chứng ho có đờm.
- Bụi bặm: Môi trường ngày càng ô nhiễm, làm tăng nguy cơ viêm, nhiễm trùng đường thở. Đây là tác nhân thường gặp gây ra các phản xạ ho.
- Suy giảm miễn dịch: Đây là điều kiện thuận lợi, giúp các tác nhân gây bệnh tấn công hệ hô hấp, khiến cơ thể phải đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm, như viêm phổi, viêm phế quản,... Những bệnh này đều có biểu hiện là ho có đờm.
>>>Xem thêm: Phải làm sao khi cơn ho kéo dài mãi không khỏi?
Các căn bệnh gây ho nhiều đờm
Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên
Viêm xoang, viêm họng,… là những căn bệnh nhiễm trùng đường hấp trên phổ biến, gây ho nhiều đờm. Khi mũi họng bị viêm, cơ thể sẽ tiết ra một lượng chất nhầy quá mức, gây kích ứng niêm mạc, làm xuất hiện phản xạ ho có đờm. Khi đó, đờm thường có màu trắng, xuất hiện nhiều về ban đêm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ của người bệnh.
Hen suyễn
Ngoài các cơn ho chứa nhiều đờm, khi bị hen suyễn bệnh nhân thường có biểu hiện khó thở kèm theo. Nguyên nhân là do, viêm nhiễm kéo dài làm đường dẫn khí bị thu hẹp, tăng tiết dịch nhầy, do đó làm giảm quá trình thông khí khiến bệnh nhân luôn ở trong trạng thái thở khò khè, nhiều đờm dãi.
Viêm phế quản
Viêm phế quản là tình trạng nhiễm trùng niêm mạc đường thở, gây ảnh hưởng đến chức năng dẫn khí của hệ hô hấp. Khi bị viêm phế quản người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, khó thở, ho ra nhiều đờm. Đặc biệt, ở người mắc viêm phế quản mạn tính, các cơn ho thường dai dẳng kéo dài, làm người bệnh mệt mỏi, chán ăn.
Viêm phổi
Viêm phổi là một bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp dưới, gây ra các triệu chứng như: Ho, khó thở, đau tức ngực, mệt mỏi, ớn lạnh. Bệnh nhân thường ho đờm màu xanh, hoặc vàng, tính chất đờm đặc quánh, khó khạc nhổ. Nguyên nhân gây viêm phổi thường là do virus, vi khuẩn gây ra, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, trong đó trẻ em và người già là hai đối tượng thường gặp.
Biện pháp cải thiện các cơn ho có đờm
Việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện hiệu quả các cơn ho đờm. Dưới đây là những biện pháp bạn có thể áp dụng:
- Uống nhiều nước lọc hoặc trái cây, trà ấm sẽ làm dịu cổ họng làm loãng chất nhầy ở đường thở, giúp loại bỏ đờm một cách dễ dàng hơn.
- Nếu bị trào ngược dạ dày, tránh ăn quá no và hạn chế ăn trước khi đi ngủ.
- Giữ độ ẩm không khí trong phòng ngủ hợp lý, tránh để quá khô và quá lạnh làm kích thích gây ho.
- Tránh xa khói bụi, khói thuốc lá,… hay bất cứ tác nhân nào có thể làm kích hoạt cơn ho.
- Bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nhiều hoa quả và vitamin, khoáng chất,… giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể đẩy lùi virus, vi khuẩn.
- Ngậm mật ong chanh, mật ong gừng,… để giảm sưng viêm cổ họng và giảm kích ứng cơn ho.
- Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh miệng – mũi – họng và xịt mũi để sát khuẩn, làm sạch, thông thoáng đường thở.
>>> Xem thêm: Ho khan, ho có đờm và những điều bạn cần biết để phòng ngừa