Viêm phế quản phổi là một căn bệnh cấp tính thường gặp ở trẻ em. Bệnh rất dễ tiến triển và gây ra bội nhiễm nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Vậy những nguy cơ nào khiến bạn dễ mắc phải căn bệnh này?
Viêm phế quản phổi là gì?
Viêm phế quản phổi là một bệnh nhiễm trùng tại phổi, khi các túi khí bên trong (gọi là phế nang) chứa nhiều dịch và mủ. Chúng khiến cho oxy không được dự trữ, cản trở sự trao đổi khí của cơ thể. Đồng thời, nó cũng làm cho phế quản – các đường dẫn khí của phổi bị tổn thương. Vì thế, ở người mắc phải viêm phế quản phổi, đường thở rất dễ bị tắc nghẽn, kéo theo đó là một loạt các triệu chứng khác.
Triệu chứng của viêm phế quản phổi
Triệu chứng của viêm phế quản phổi có thể giống với các dạng bệnh viêm phổi khác. Thông thường, bệnh bắt đầu với những dấu hiệu nhẹ giống như cảm cúm, và tiến triển nặng hơn sau đó một vài ngày. Các triệu chứng chung bao gồm:
- Sốt;
- Ho có đờm tăng dần lên;
- Khó thở;
- Đau tức ngực;
- Hơi thở nhanh và nông;
- Đổ mồ hôi;
- Ớn lạnh;
- Đau đầu, đau mỏi cơ.
Các triệu chứng này có thể nặng dần hơn và gây ra tình trạng nguy hiểm ở từng người. Nhất là những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc bị mắc kèm một vài căn bệnh khác.
Triệu chứng ở trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một trong những đối tượng dễ mắc viêm phế quản phổi. Ở trẻ, ho là dấu hiệu phổ biến nhất. Nhưng chúng cũng có thể gặp các triệu chứng như:
- Nhịp tim đập nhanh;
- Nồng độ oxy trong máu thấp, trẻ khó thở, mệt mỏi;
- Co rút cơ ngực, đau tức ngực vì ho nhiều;
- Trẻ cáu gắt, biếng ăn hoặc hấp thu kém;
- Đường thở bị tắc nghẽn, trẻ thở khò khè;
- Có cơn sốt, khó ngủ.
Do ở trẻ nhỏ thường khó phát hiện tình trạng bệnh hơn, nên ngay khi trẻ có những biểu hiện trên, hãy sớm cho trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng.
>>> Xem thêm: Xơ hóa phổi- Căn bệnh nguy hiểm bạn nên biết
Những yếu tố nguy cơ của bệnh viêm phế quản phổi
Vậy nguyên nhân do đâu dẫn đến các triệu chứng của viêm phế quản phổi? Các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho biết rằng, phần lớn tác nhân chính dẫn đến căn bệnh này là do sự xâm nhập của nhiều loại vi trùng: Virus, nấm, vi khuẩn và ký sinh trùng.
Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều do virus hợp bào đường hô hấp, virus cúm, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn,… gây ra. Người bệnh thường dễ hít phải các loại vi trùng gây bệnh này, bởi chúng lây lan giữa người với người qua phản xạ hắt hơi, ho. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
Tuổi tác: Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người già trên 65 tuổi dễ mắc viêm phế quản phổi do sức khỏe miễn dịch yếu, dễ xuất hiện biến chứng hơn.
Môi trường sống: Những người làm việc tại môi trường bệnh viện hoặc cơ sở điều dưỡng liên quan đến bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp thường dễ tiếp xúc với mầm bệnh.
Lối sống: Khói thuốc lá, dinh dưỡng kém, uống rượu bia,… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Có vấn đề sức khỏe khác: Một số điều kiện có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản phổi, chẳng hạn như những bệnh phổi, phế quản mạn tính; người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch; người bị ung thư,…
Do đó, nếu bạn hoặc người thân thuộc những đối tượng có nguy cơ mắc viêm phế quản phổi, hãy chủ động phòng ngừa sớm căn bệnh này để giúp bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn cách chữa ho đờm với bài thuốc dân gian từ mật ong
Làm thế nào để phòng ngừa căn bệnh này?
Để phòng ngừa căn bệnh viêm phế quản phổi ngay từ ban đầu, tiêm phòng vaccine là cách được các chuyên gia y tế khuyến khích nên thực hiện. Đặc biệt, vaccine sẽ giúp trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh chống lại được vi khuẩn và virus gây bệnh. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với người bệnh cũng giúp bạn hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với các mầm bệnh.
Ngoài ra, những biện pháp khác nên được áp dụng là:
- Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay sạch sau mỗi lần thực hiện vệ sinh cá nhân.
- Luôn giữ đường thở sạch, thông thoáng để giảm sự tích tụ của các tác nhân gây bệnh.
- Tăng cường tập luyện để nâng cao sức khỏe cho cơ thể.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo hệ miễn dịch khỏe mạnh,…
>>>Xem thêm: 5 mẹo giúp người bệnh khó thở cái thiện hô hấp khi tập luyện.